TIN TỨC

Tăng huyết áp cấp cứu: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị.

Tăng huyết áp cấp cứu là một trong 2 thể lâm sàng của tăng huyết áp. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này sẽ gây ra các biến chứng về mạch máu não, mạch vành và một số bệnh lý về tim mạch nguy hiểm khác.

1. Tăng huyết áp cấp cứu là gì? Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp là bệnh lý rất thường gặp, là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý về tim mạch. Tăng huyết áp cấp cứu là hiện tượng huyết áp tăng cao khi chỉ số huyết áp tâm thu > 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 120mmHg. Bệnh lý này có kèm theo các tổn thương về cơ quan đích mới xuất hiện, tiến triển hay nặng hơn. Bệnh nhân khi mắc tăng huyết áp cấp cứu cần được nhập viện và điều trị bằng thuốc đường tĩnh mạch.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý về tim mạch

Một số tổn thương cơ quan đích phổ biến là: Bệnh não tăng huyết áp, xuất huyết nội sọ, nhồi máu não, đột quỵ, thiếu máu não, suy thất trái cấp, nhồi máu cơ tim, xuất huyết dưới nhện, suy thất trái cấp tính kèm phù phổi, phình bóc tách động mạch chủ, viêm cầu thận cấp, suy thận cấp, đau ngực không ổn định, bệnh võng mạc ác tính, sản giật,…

2. Biểu hiện của tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Nếu như chỉ số huyết áp của bệnh nhân đạt đến mức trên 180/120mmHg thì có nghĩa là bệnh nhân đang mắc tăng huyết áp cấp cứu. Một số biểu hiện phổ biến của tăng huyết áp cấp cứu có thể kể đến như:

  • Suy giảm trí nhớ, ý thức
  • Thường xuyên buồn nôn hoặc nôn
  • Tê bì, tê liệt các chi
  • Khó nói, nói những câu vô nghĩa
  • Thường xuyên đau ngực, tức ngực
  • Tình trạng khó thở diễn ra thường xuyên
  • Đau lưng, chán ăn

3. Điều trị tăng huyết áp cấp tính như thế nào?

Phương pháp được lựa chọn để điều trị tăng huyết áp cấp tính sẽ phụ thuộc vào loại tổn thương các cơ quan đích, mức độ, ranh giới tổn thương ra sao. Mục tiêu điều trị của bác sĩ là hạ huyết áp tâm thu không quá 25% trong 1h đầu tiên. Nếu tình trạng này ổn định sẽ giảm xuống còn 160/100-110 mmHg trong 2 đến 6h tiếp theo và cẩn thận hạ huyết áp về mức bình thường sau 24 đến 48h.

Điều trị tăng huyết áp cấp tính sẽ phụ thuộc vào loại tổn thương các cơ quan đích

Sử dụng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch là phương pháp được sử dụng phổ biến bởi nó dễ dàng điều chỉnh liều và tránh hạ quá mức. Bệnh nhân nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng nhanh, ngắn hạn, hiệu quả nhanh, hồi phục nhanh, ít tác dụng phụ. Bệnh nhân cần phải chuẩn bị sẵn thuốc để giúp thuận lợi cho quá trình chuyển đổi thuốc khi ra viện.

Các bác sĩ cần xác định chính xác các cơ quan đích bị tổn thương và có phương pháp điều trị đặc biệt cho tình trạng này. Ngoài việc tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy thì việc chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và cách xử lý cũng rất quan trọng. Nhiều chuyên gia nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu có nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp.

Nhìn chung tăng huyết áp cấp cứu là bệnh lý cần được chẩn đoán và hạ huyết áp ngay lập tức. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần sử dụng các loại thuốc phù hợp với từng trường hợp lâm sàng cụ thể. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối sự chỉ định của bác sĩ nhằm giảm tối thiểu các biến chứng của căn bệnh này.

4. Đối tượng nào dễ mắc tăng huyết áp khẩn cấp?

Tăng huyết áp khẩn cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng đến tim, não, phổi,… Các chuyên gia đã tổng hợp một số đối tượng có nguy cơ mắc tăng huyết áp khẩn cấp cao như sau:

  • Đối tượng thường xuyên lo lắng, hốt hoảng, tâm trạng bị xáo trộn
  • Đối tượng tăng huyết áp nguyên phát hoặc thứ phát nặng chưa có biến chứng
  • Đối tượng tăng huyết áp với chảy máu cam nặng
  • Đối tượng sau phẫu thuật
  • Ngưng điều trị bằng thuốc huyết áp và không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Khi bệnh nhân có các biểu hiện của tăng huyết áp cấp cứu, người nhà cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để có phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn điều trị bệnh của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.  

Youtube TIWICARE